|  | Trạm biến áp 110 kV Phú Quốc | Vừa qua, Ban Tuyên giáo chủ trì họp với đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin-Truyền thông, Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình Kiên Giang bầu chọn 10 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội quan trọng của tỉnh trong năm 2014. Cuộc họp thống nhất bầu chọn 10 sự kiện quan trọng nổi bật của tỉnh trong năm 2014, gồm: 1. Đưa điện cáp ngầm từ đất liền ra đảo Phú Quốc Đây là dự án trọng điểm quốc gia do EVNSPC làm chủ đầu tư, với tổng vốn lên tới 2.366 tỷ đồng. Nhà thầu chính chịu trách nhiệm sản xuất cáp và thi công lắp đặt cáp ngầm là Tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Italy). Dự án bao gồm tuyến đường dây 110 kV có điểm đầu nối từ trạm 110kV Hà Tiên với phần đường dây trên không dài 0,3km đến điểm tiếp bờ phía Hà Tiên. Phần cáp ngầm xuyên biển bắt đầu từ điểm tiếp bờ phía Hà Tiên đến điểm tiếp bờ phía Phú Quốc với chiều dài 55,813 km. Điểm cuối là trạm 110kV Phú Quốc với phần đường dây trên không dài 7,6 km từ điểm tiếp bờ phía Phú Quốc đến trạm Phú Quốc.  | Khánh thành cầu Cái Bé, cái Lớn. | 2. Khánh thành và khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh (cầu Cái Lớn, Cái Bé, khởi công đường Hồ Chí Minh) Hai cây cầu này xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực (vĩnh cửu) nối tiếp gần nhau, bắc qua cù lao giữa sông Cái Bé và Cái Lớn, với tổng chiều dài 2,3 km, trong đó cầu Cái Bé dài 560m, cầu Cái Lớn dài 681m, mặt cầu rộng 12m. Cầu Cái Lớn và Cái Bé nằm trong Dự án tuyến tránh Tắc Cậu thuộc Dự án thành phần 2, gồm xây dựng tuyến Minh Lương - Thứ Bảy thuộc Dự án đường hành lang ven biển phía Nam. Riêng tiểu dự án tuyến tránh Tắc Cậu dài gần 6,5 Km gồm đường tránh, đường dẫn và 2 cây cầu Cái Lớn và Cái Bé với tổng kinh phí đầu tư gần 1000 tỷ đồng.  | Phát lệnh khởi công các nhà máy tại Khu Công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành). | 3. Khởi công 4 dự án lớn tại Khu Công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) Lễ khởi công xây dựng đồng loạt bốn nhà máy quy mô lớn gồm: Nhà máy gỗ MDF Kiên Giang, Nhà máy bia Sài Gòn Kiên Giang, Nhà máy Vinatex Kiên Giang và Nhà máy giày TBS Kiên Giang. Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích gần 9ha với công suất 75 ngàn m3 gỗ MDF/năm. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động trong quý 03/2015, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng giao cho Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam hơn 4.700 ha đất trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Cụm 3 dự án: Nhà máy bia Sài Gòn-Kiên Giang, công suất sản xuất 50 triệu lít bia/năm; Nhà máy giày TBS Kiên Giang công suất 15 triệu đôi/năm; Nhà máy Vinatex Kiên Giang. Tổng vốn đầu tư 3 nhà máy khoảng 1.950 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 28 ha. Khi 3 dự án đi vào sản xuất sẽ giải quyết việc làm cho hơn 12 ngàn lao động tại địa phương.  | Công nhận TP. Rạch Giá là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang. | 4. Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Rạch Giá và huyện Phú Quốc là đô thị loại 2 và nhiều chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc Ngày 25-4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định công nhận thành phố Rạch Giá là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 268, ngày 18-02-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Rạch Giá là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều cống hiến lớn lao trong công cuộc dựng nước, giữ nước, góp phần viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhiều người con của mảnh đất này đã đi vào lịch sử như Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chị Sứ… Rạch Giá còn là vùng đất ở phương Nam có một kho tàng văn hóa độc đáo, nơi hội tụ đoàn kết của nhiều dân tộc anh em như: Kinh, Khmer, Hoa… Trong những năm gần đây, thành phố biển Rạch Giá là một trong bốn đô thị trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, luôn gắn kết hai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Cơ cấu kinh tế của Rạch Giá đang chuyển dịch đúng hướng, bền vững khi tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Mức thu nhập bình quân của người dân bằng 1,5 lần so với cả nước, tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần đây đạt trên 15%. Hạ tầng được hoàn thiện cơ bản, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao, đô thị khang trang, xanh, sạch đẹp. Tối 15-11 tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức trọng thể lễ công bố Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 17-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm tại vùng biển Tây của Việt Nam. Phú Quốc nằm ở trung tâm Đông Nam Á, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam-Campuchia- Thái Lan, với diện tích 589,23 km2, dân số 96.940 người và 10 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Hàm Ninh và Thổ Châu. Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Được biết, ngày 17-9, tại huyện đảo Phú Quốc, tổ chức hội nghị thông qua đề án đề nghị công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II và thành lập thành phố thuộc tỉnh. Đối với việc thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng huyện đảo Phú Quốc hiện nay, với diện tích 58.919 ha, dân số 101.407 người, có 12 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 2 xã đảo. Thành phố Phú Quốc định hướng vùng phát triển đô thị theo trục Bắc-Nam, diện tích 3.852 ha, chiếm 6,54% tổng diện tích tự nhiên. Phía Bắc là khu đô thị Cửa Cạn, trung tâm thành phố là khu đô thị Dương Đông, phía Nam là khu đô thị An Thới. Vùng phát triển du lịch bao gồm vùng du lịch sinh thái diện tích 3.051 ha, bố trí dọc theo bờ biển phía Tây; vùng du lịch hỗn hợp diện tích 810 ha, bố trí tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm; xây dựng 5 sân golf tại các vùng du lịch sinh thái và hỗn hợp, tổng diện tích 819,63ha; vùng phát triển phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, diện tích 1.235ha, bố trí ở khu vực Bãi Trường.  | Đại hội thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII gắn với kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ | 5. Đại hội thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII gắn với kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014) Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bản hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống vẻ vang của dân tộc, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của quân và dân ta. Thời gian đã lùi xa nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đại hội TDTT tỉnh Kiên Giang lần thứ VII năm 2014 đã thể hiện đúng với mục đích đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, thi đấu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các vận động viên và huấn luyện viên của các đoàn, Đại hội còn là dịp để tỉnh tuyển chọn những gương mặt vận động viên tài năng, có triển vọng để đào tạo, huấn luyện tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII.  | Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lần thứ IX (nhiệm kỳ 2014-2019) ra mắt Đại hội. | 6. Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lần thứ IX (nhiệm kỳ 2014-2019) và các dân tộc tỉnh Kiên Giang Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Kiên Giang lần IX (nhiệm kỳ 2014-2019) đã diễn ra với sự tham dự của 271 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đại hội đã hiệp thương cử UBMTTQ tỉnh lần IX gồm 93 vị và cử đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu MTTQ toàn quốc lần thứ VIII gồm 7 vị. Ông Trương Thắng Trận tái cử Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kiên Giang lần IX nhiệm kỳ 2014-2019. Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần II (nhiệm kỳ 2014-2019) là dịp tôn vinh các tấm gương điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khẳng định thành tựu, công lao đóng góp của các dân tộc thiểu số; tôn vinh, biểu dương hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội;… Đó là những bông hoa đẹp, những gương sáng tiêu biểu, sẽ đóng góp tích cực cho Đại hội nhiều đề xuất, kiến nghị, những nét văn hóa đặc sắc, những kinh nghiệm quý báu của các dân tộc, các địa phương. Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ hai có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân tộc.  | Công nhận xã Mỹ Đức đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới | 7. Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 2 xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) và Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) đạt chuẩn nông thôn mới Tân Hiệp A (huyện Tân Hiệp) nằm phía bắc Quốc lộ 80, nằm trong vùng Tây Sông Hậu của Kiên Giang, diện tích tự nhiên hơn 4.000ha, dân số khoảng 15.200 người (gần 2.900 hộ dân), sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xã có 6 ấp gắn liền với 6 hợp tác xã nông nghiệp, 88 tổ nhân dân tự quản gắn liền với 88 đội sản xuất. Xã Tân Hiệp A đã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới với tổng kinh phí huy động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn hơn 93 tỉ đồng. Cụ thể: Nhà nước đầu tư 33,5 tỉ đồng, nhân dân tự nguyện đóng góp gần 48 tỉ đồng, nhà nước và nhân dân cùng làm hơn 11 tỉ đồng, ngân sách xã và các hợp tác xã đầu tư trên 1,4 tỉ đồng. Xã Mỹ Đức là một xã biên giới, cách trung tâm thị xã Hà Tiên 3 km về phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 1.682 ha, dân số trên 6.000 người với đa số là đồng bào dân tộc Khmer. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thị xã Hà Tiên về việc chọn xã biên giới Mỹ Đức để triển khai thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã ra sức phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM của thị xã, tỉnh chỉ đạo. Xã Mỹ Đức là một trong tổng số 35 xã trong tỉnh chọn để xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm xã Mỹ Đức cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Xã đã hoàn thành việc xây dựng 05 nội dung với 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Nội dung quy hoạch đạt 1/1 tiêu chí; hạ tầng kinh tế, xã hội đạt 8/8 tiêu chí; kinh tế và tổ chức sản xuất đạt 4/4 tiêu chí; văn hóa, xã hội và môi trường đạt 4/4 tiêu chí; hệ thống chính trị đạt 2/2 tiêu chí. Trong đó công trình do Nhà nước đầu tư với kinh phí 13,842 tỷ đồng; các doanh nghiệp tư nhân và nhân dân tự đóng góp xây dựng với tổng kinh phí 1,76 tỷ đồng.  | Các thi sinh dự thi Hoa hậu Việt Nam 2014 tại Phú Quốc. | 8. Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 được tổ chức tại Phú Quốc-Kiên Giang Diễn ra tại sân khấu nhạc nước ngoài trời của Vinpearl Land, Phú Quốc, Kiên Giang. Người đẹp 18 tuổi đến từ Nam Định giành vương miện trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014 diễn ra tối 6/12 tại Phú Quốc, Kiên Giang. Danh hiệu Á hậu 1 thuộc về người đẹp Nguyễn Trần Huyền My. Á hậu 2 là Nguyễn Lâm Diễm Trang. Nguyễn Cao Kỳ Duyên năm nay 18 tuổi, nằm trong nhóm thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi, và đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Người đẹp cao 1,73 m, nặng 59 kg, số đo hình thể là 86-63-91. Ngoài vẻ xinh xắn, đáng yêu, Kỳ Duyên còn là một cô gái tự tin, ham học hỏi và luôn thể hiện bản lĩnh trong phong cách giao tiếp, ứng xử. Trong phần thi ứng xử, Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhận được câu hỏi từ giám khảo - biên đạo Trần Ly Ly: “Theo bạn điều gì làm người con gái Việt Nam không bị lẫn với những cô gái khác trên thế giới?”. Kỳ Duyên trả lời: “Theo em, điều làm nên sự khác biệt ở phụ nữ Việt Nam đó là sự hy sinh. Từ nhỏ em đã được nghe kể về những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, sẵn sàng hy sinh để chồng, con ra chiến trận và luôn dành hết tâm sức cho chồng con. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam còn sở hữu vẻ đằm thắm, dịu dàng và nét duyên ngầm”.  | Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Kiên Giang. | 9. Thành lập Trường Đại học Kiên Giang Trường Đại học Kiên Giang được thành lập trên cơ sở Phân hiệu của Trường Đại học Nha Trang tại Kiên Giang, gồm có 11 khoa với 11 chuyên ngành khác nhau để đào tạo Cao đẳng, Đại học. Về khối viện sẽ xây dựng 3 viện nghiên cứu là: Công nghệ sinh học và môi trường; Nông lâm thủy sản; Kinh tế biển đảo; và 10 trung tâm nghiên cứu, 1 nhà bảo tàng sinh vật học, 1 trường đa cấp thực hành, 1 bệnh viện điều dưỡng thực hành. Dự kiến từ nay đến năm 2020 đào tạo 10.000 đến 15.000 sinh viên. Đây là một trong 3 trường Đại học công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ở vùng ĐBSCL. Phó giáo sư, Tiến sĩ Thái Thành Lượm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ 2014-2019. Trường đại học Kiên Giang có nhiệm vụ cùng với các trường khác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương tỉnh Kiên Giang những chuyên ngành đặc thù của vùng, và trong quan hệ hợp tác hữu nghị quốc tế trường sẽ đảm nhiệm đào tạo cho các sinh viên ở nước bạn Campuchia về những chuyên ngành đào tạo phù hợp khi được cho phép của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước  | Triển lãm bản đồ và tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa | 10. Triển lãm bản đồ và tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại TP. Rạch Giá và huyện Phú Quốc Theo Kế hoạch 116, ngày 12-12-2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được diễn ra từ ngày 23 đến 28 tháng 12 năm 2014 tại Nhà Thiếu nhi Kiên Giang (thành phố Rạch Giá) và tại Trung tâm Văn hóa huyện đảo Phú Quốc. Thời gian mở cửa triển lãm: Sáng từ 08 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Nội dung triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính như: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do các triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam và phiên bản của các văn bản hành chính nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, thông qua các tư liệu lịch sử được công bố nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./. Quốc Tuấn | |