Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, câu ca như một lời nhắc nhở để con Lạc cháu Hồng đất Việt luôn ghi nhớ chúng ta cùng một tổ tiên, chung một cội nguồn. Ngày 10/3 âm lịch trở thành ngày hội lớn của non sông. Mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu, theo bất cứ tôn giáo nào, dịp này đều hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Đứng trên mảnh đất thiêng liêng, nghe vang vọng lời dặn dò tiền nhân về kế sách giữ nước an dân: “Hãy chôn ta trên Núi Cả/ Để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu”. Tại Đền Hùng, ngày 19/9/1954, nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, Bác căn dặn: “Bộ đội ta đánh giặc giỏi nhưng làm sao phải chiếm được lòng dân. Không phải chiến thắng rồi về muốn làm gì thì làm. Nắm lấy dân để dân tin cậy, đó là điều quan trọng. Các chú phải lo việc tiếp quản Thủ đô cho chu đáo, phải bảo vệ tài sản trong thành phố, bây giờ thuộc về nhân dân chứ không thuộc về kẻ địch mà ta phá phách. Đối với kẻ thù, khi nó phá hoại, chống đối thì ta ra tay trừng trị, còn khi nó đã hạ súng quy hàng thì ta phải đối xử nhân đạo. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất ý nghĩa. “Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trước khi đưa ra lời căn dặn ấy, người còn giảng giải cho cán bộ, chiến sĩ: “Đền Hùng thờ các Vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta”. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng. Ý thức, tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”. Lịch sử là một dòng chảy liên tục, trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên. Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, lật giở những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật tự hào: “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam. Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc, “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân… Đến ngày này, mọi con dân đất Việt chăm lo sửa sang từ góc bàn thờ tổ tiên trong nhà đến những di tích lịch sử văn hóa, thăm các bảo tàng, hưởng thụ các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống… hướng tới một đất nước hiện đại, hội nhập quốc tế song vẫn bám chắc vào cội rễ của văn hiến dân tộc, mà thời đại các Vua Hùng là một biểu tượng vững chãi. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mới nhằm xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. |